Với tiềm năng thiên nhiên sẵn có, Côn Đảo ngày càng thu hút khách thăm quan với những bãi tắm hoang sơ và khung cảnh yên bình. Phần 3 của bài viết Những địa điểm thăm quan Con Dao hấp dẫn, chúng tôi tiếp tục giới thiệu đến các bạn những địa điểm thăm quan tại Côn Đảo: miếu bà Phi Yến, vịnh Côn Sơn, hòn Bảy Cạnh, hòn Tài, mộ chị Võ Thị Sáu.
Miếu Bà Phi Yến
Miếu Bà Phi Yến hay còn gọi là An Sơn miếu được xây dựng từ năm 1785 để thờ Bà Phi Yến – vợ của chúa Nguyễn Ánh (vua Gia Long).
Đối với những người dân đảo, ngôi miếu rất linh thiêng, gắn liền với câu chuyện bi thương của người phụ nữ tài sắc, đức hạnh và giàu lòng yêu nước. Sau khi Bà mất, nhân dân trên đảo thương tiếc đã lập miếu thờ. Năm 1861, sau khi chiếm đảo, thực dân Pháp đã quyết định di toàn bộ dân vào đất liền để xây dựng nhà tù nên ngôi miếu dần bị đổ nát. Đến năm 19581 nhân dân trên đảo đã xây dựng lại ngôi miếu khang trang trên nền ngôi miếu cũ và thờ tự cho đến ngày nay.
Vịnh Côn Sơn
Vịnh Côn Sơn ngày nay không chỉ là một đi tích lịch sử để tìm về nơi đây kí ức như hiện về những hình ảnh anh hùng của những cha anh đi trước, sự đau đớn, đổ máu thịt mang lại hòa bình như ngày nay.
Tiếp bước bảo vệ quê hương, tiếp bước xây dựng và hôm nay Côn Sơn đã biến mình thành thiên đường nghỉ đưỡng dành cho những ai yêu cái đẹp, muốn khám phá những bí ẩn lịch sử và trải nghịêm thiên nhiên kỳ thú của hòn đảo nằm giữa ngàn khơi xa tít tắp của Biển Đông Vịnh Côn Sơn bao gồm hệ thống 14 hòn đảo nhỏ to khác nhau với chuỗi hòn Tài, hòn Trác, hòn Thỏ, ... quây quần như một đại gia đình và hòn Bảy Cạnh, Bông Lan, hòn Cau, hòn Trứng, hòn Tre... hùng vĩ giữa khơi xa, là những hòn đảo tạo nên vẻ đẹp thơ mộng cho Vịnh Côn Sơn và là khu bảo tồn sinh thái biển với các rạn san hô ít có nơi nào có thể sánh được về mật độ và chủng loại.
Hòn Bảy Cạnh
Hòn Bảy Cạnh là hòn đảo lớn thứ hai trong số 16 hòn đảo thuộc quần đảo Côn Đảo, có số lượng rùa biển lên đẻ nhiều nhất Việt Nam
Mỗi năm có đến hàng trăm cá thể rùa mẹ lên bãi đẻ trứng. Toàn bộ đảo được che phủ bởi rừng nhiệt đới nguyên sinh, với thành phần động, thực vật rừng rất phong phú.
Đến với Hòn Bảy Cạnh, khách thăm quan sẽ có cơ khám phá sinh thái rừng ngập mặn và bơi lặn ngắm san hô. San hô ở đây rất đa dạng về chủng loại với san hô dạng phiến, dạng bàn, dạng cành, khối đều thuộc sách đỏ của Việt Nam.
Hòn Tài
Hòn Tài là bức tranh phong phú đầy màu sắc của các san hô hòa mình với những loại sinh vật biển ẩn dưới nắng xuyên qua làn nước trong xanh.
Đến với Hòn Tài, khách thăm quan sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp lung linh huyền bí của chốn thủy cung với nhiều lọai san hô rực rỡ, lạ mắt mà khó có thể bắt gặp ở một nơi nào khác.
Tại Hòn Tài, bạn có thể thấy sóc mun - loại sóc đặc hữu chỉ có ở Côn Đảo, kỳ đà, tắc kè …và nhiều loài chim biển, gầm ghì trắng - một loại chim quý hiếm thuộc họ bồ câu, khỉ mặt đỏ - giống khỉ quý đang được nuôi tại Hòn Tài.
Mộ Võ Thị Sáu
Thế hệ chúng tôi, thời tuổi trẻ, ai mà chẳng thuộc bài hát ca ngợi chị Võ Thị Sáu: Mùa hoa lêkima nở, ở quê ta miền đất đỏ, thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng đã chết cho đời sau.
Không chỉ miền đất đỏ nhắc tên chị, mà cả nước này đều đã nhắc tên chị, bởi chị chết cho đất này "chết cho đời sau", cho nên những đời sau sẽ phải sống như thế nào cho xứng với cái chết của chị.
Chị Sáu chết khi mới 19 tuổi. Tài sản riêng của chị chỉ có 2 bộ quần áo. Ngoài ra không còn gì nữa. Ngay cả tình yêu, vì bận chiến đấu, tình yêu cũng chưa đến với chị. Có lẽ tài sản thiêng liêng của chị là tình yêu Tổ quốc. Chị đã hiến dâng tất cả tuổi thanh xuân của mình cho tình yêu ấy.
Chính do tình cảm yêu mến chị, cho nên đến Côn Đảo, chúng tôi đến nghĩa trang Hàng Dương thăm mộ chị Võ Thị Sáu ngay. Nghĩa trang Hàng Dương trải rộng từ phía sau banh 3 đến sở ruộng, giáp chân núi Chúa. Những nấm mộ chen nhau. 200.000 người tù Côn Đảo, có tới 20.000 người chết. Ai đó nói với tôi, đi trên đất Côn Đảo phải đi nhẹ chân thôi nhé, để không làm đau thân xác những người chết. Vì có mét đất nào trên Côn Đảo không có người chết đâu.
Trong đêm, mỗi ngôi mộ Hàng Dương được thắp một ngọn điện nhỏ như một cây nến, trông rất thiêng liêng, huyền ảo. Ban ngày lớp lớp những ngôi mộ kề nhau. Đến mộ chị Sáu ai cũng dừng lại thắp hương, nên mộ chị Sáu đông người đến thăm nhất, đứng lớp trong, lớp ngoài trang nghiêm, khói hương nghi ngút, hoa tươi xếp đầy trên mộ. Khi khách tản ra đi thắp hương cho các ngôi mộ khác, tôi mới để ý xếp gọn trên đỉnh mộ chị một chiếc áo lụa, một khăn quàng cổ, một vòng đeo cổ ngọc trai.
Khách quý chị Võ Thị Sáu nên đem quà tặng chị. Để mình đưa cậu tới thăm nhà lưu niệm của chị.
Đó là một ngôi nhà ba gian. Trong đó có mấy tủ áo dài đủ kiểu, đủ màu, một tủ và mấy bàn bày các đồ trang sức, các đồ kỷ niệm mà dân Côn Đảo và khách đến cúng trên mộ chị, được Ban di tích đưa về đây xây dựng một nhà lưu niệm, mới nhìn giống như một quầy hàng phong phú, đa dạng, cái nào cũng đẹp.
Thì ra nhân dân yêu chị Võ Thị Sáu là vậy.
Không yêu chị sao được "Người thiếu nữ ấy như mùa xuân, chị đã dâng cả cuộc đời, đi chiến đấu với bao niềm tin và chết vẫn không lùi bước". 14 tuổi Sáu đã quấn quýt với người anh đi vũ trang, băng đường, vượt rừng đến thăm anh đóng ở Cầu Trọng. Nhờ tình cảm ấy bữa đi chợ nghe bạn kể: "Tao lo cho anh Năm mày. Hồi sáng tao đi ngang phố, thấy anh S. ở đơn vị anh Năm đi vào dinh cai Tổng Tòng, mắt lấm lét như về đầu thú. Lát sau tao quay lại, thấy bọn lính đi tuần các ngả đều tập trung về đồn, nhộn nhạo lắm, chắc tụi nó sắp càn vào cứ". Linh tính báo việc chẳng lành, chị Sáu không kịp qua chợ báo cho má, Sáu rẽ ngay vào hẻm rồi băng đồng lên cứ thông tin cho các anh. Đơn vị anh Năm lập tức sơ tán và chuẩn bị chống càn. Quả nhiên bọn lính đi càn lọt vào ổ mai phục. Cuộc xuất quân đầu tiên của chị Sáu đã cứu được cả đội công an huyện, góp phần phá được trận càn.
14 tuổi, chị Võ Thị Sáu thoát ly. Trận chiến đấu đầu tiên của chị Sáu là diệt Tổng Tòng ngay trong văn phòng của hắn. Đúng giờ G, chị Sáu rút lựu đạn liệng thẳng vào mặt Tổng Tòng rồi hô to: "Việt Minh tấn công", rồi kéo mấy chị ở hàng ghế chờ làm căn cước cùng chạy. Trận ấy Tổng Tòng không chết. Sáu tiếc rẻ với anh Năm:
- Giá em gan hơn, để lựu đạn xì ba bốn giây, thì Tổng Tòng tiêu rồi.
Trận đánh quyết liệt của chị Sáu là giết Cả Đay, Cả Suốt. Dân rất căm ghét bọn này. Chúng thường cùng bọn lính vào chợ cướp vịt, cướp cá, cướp gạo của đồng bào. Đợi bọn chúng ra khỏi chợ, Sáu ném lựu đạn. Cả Suốt, Cả Đay và một tên lính giãy giụa trong vũng máu.
Ý chí bất khuất của chị Võ Thị Sáu là khi chị lọt vào tay giặc. Đòn roi, tra tấn mấy chị cũng không khai. Khi ra tòa, quan hỏi chị:
- Bị cáo có nhận lỗi như cáo trạng không?
Không trả lời câu hỏi của hắn, chị hỏi lại:
- Là quan tòa, ông có thể kết tội những người Pháp Đờ Gôn chống phát xít Đức chiếm đóng nước Pháp không?
Quan tòa lắc chuông:
- Bị cáo chỉ có thể trả lời "có" hoặc "không".
Chị Sáu nghiêm chỉnh đáp:
- Tôi không có tội, yêu đất nước mình, chống lại thực dân xâm lược, không phải là một tội.
Chị Sáu bị kết tội tử hình. Đó là bản án tử hình của bọn thực dân Pháp đối với một người con gái chưa đủ tuổi thành niên. Dư luận xôn xao, chúng không dám giết chị ở đất liền mà đưa ra Côn Đảo. Chị là người thiếu nữ đầu tiên bị đưa ra hành hình ở Côn Đảo.
Thật cảm động biết bao khi ở khám tử hình, chị Sáu nhờ người tới xin vợ chồng Cò:
- Thưa ông bà, người tù kia sớm mai bị hành quyết. Cô ấy muốn xin được vài phút ra sân tắm nắng để được ngắm đất trời quê hương mình.
Yêu quê hương đến thế là cùng. Trước sân Võ Thị Sáu xõa tóc hong gió. Cái bóng hồn nhiên nhỏ bé ấy đã làm vợ Cò trở về phòng, úp mặt xuống giường thổn thức.
Đêm cuối cùng ấy trong xà lim Võ Thị Sáu hát suốt đêm những bài hát hào hùng: Cùng nhau đi hùng binh, Tiểu đoàn 307, Lên đàng.
Phút giây chị Sáu ra pháp trường, đúng là những phút giây anh hùng. Xin hãy nhớ lại cuộc đối đáp giữa viên cố đạo và chị Sáu:
- Bây giờ cha sẽ rửa tội cho con.
- Tôi không có tội. Nếu cha muốn rửa tội, xin hãy rửa tội cho những kẻ sắp giết tôi đây.
- Lạy Chúa! Trước khi chết con có ân hận gì không?
- Tôi chỉ ân hận là chưa tiêu diệt hết bọn thực dân cướp nước và tay sai bán nước.
Có lẽ nào không rưng rưng nước mắt khi trước phút hành hình, chánh án yêu cầu chị Sáu có yêu cầu gì trước khi chết. Chị Sáu đã yêu cầu bỏ bịt mắt để chị nhìn đất nước mình đến giây phút cuối.
Tràng đạn đã nổ trong tiếng hát bài Tiến quân ca của chị.
Nhân dân Côn Đảo đã lập đền thờ chị Sáu trên hòn đảo anh hùng và thiêng liêng này. Trước đền thờ là bức tượng chị Võ Thị Sáu trẻ trung đôi mắt thăm thẳm nhìn về tương lai. Bên phải tượng là mô hình hai bàn tay lồng vào nhau siết chặt. Chúng tôi hiểu đó là biểu tượng của ý chí bất khuất. Chúng tôi vào đền thắp hương cho chị Sáu, ngồi trước bát hương là tượng bán thân chị Võ Thị Sáu. Chúng tôi nhìn chị nghĩ tới cái tuổi 19 chị ngã trên đất Côn Đảo này, để cho thế hệ 19 tuổi bây giờ hồn nhiên cắp sách đến trường. Tôi như nghe tiếng chị vang lên trước tiếng súng xoáy vào tim chị:
- Việt Nam độc lập, muôn năm!
Vâng đó là lời thề của cô thiếu nữ 19 tuổi. Kẻ nào quên lời thề ấy, chúng đáng được gọi là kẻ phản phúc. Bên cạnh tượng chị là lời khen của Bác Hồ được viết bằng chữ vàng trên nền đỏ giống như biểu tượng của lá cờ: "Gương anh dũng của cháu Võ Thị Sáu luôn luôn sáng ngời để cho phụ nữ ta học tập".
Ngày chị Sáu hy sinh là ngày 23/1/1952. Tính cho đến nay chị Sáu đã mất 59 năm. Nhưng về phương diện tâm linh, chị Sáu vẫn đang sống cùng dân Côn Đảo. Đến như người lính lê dương già thời đó, sau khi chị Sáu chết còn thẫn thờ:
- Cô ấy bình thản đến lạ lùng. Yêu đời đến phút chết, dũng khí tỏ ra ngay cả khi đã ngã xuống rồi. Đó mới chính là một người anh hùng. Cô ấy tin vào chính nghĩa của dân tộc mình. Còn chúng tôi thì chỉ biết bắn giết.
Còn nhân dân Côn Đảo thì vẫn gặp chị Sáu. Xin hãy nghe chị Liễu kể:
- Tôi đem hương hoa đến viếng mộ chị Võ Thị Sáu. Khi đến gần mộ, tôi bỗng thấy một người con gái mặc áo dài trắng từ ngôi mộ đi ra, thong thả dạo bước về phía thị trấn. Tôi sụp lạy, hồi lâu mới dám bước tới mộ dâng hương. Sau đó trên đường trở về nhà, đi đâu cũng thấy bóng người con gái ấy ở trước mặt. Thế là tết ấy tôi lập bàn thờ cô Sáu, đặt nơi trang trọng khói hương suốt 4 mùa.
Dân Côn Đảo quý trọng chị Sáu đến mức độ, lâu nay có điều gì khúc mắc ân oán trong lòng đều đem trời đất, quỷ thần ra thề, bây giờ thì gọi chị Sáu:
- Thề có cô Sáu chứng giám.
Làm sao không tin được vì tấm bia cho chị Sáu hôm nay dựng lên bị đập tan thì ngày mai lại xuất hiện đúng chỗ đó một tấm bia mới. Dân có điều gì đến mộ chị thắp hương vái lạy, đều toại nguyện. Cứ giả thử những điều cầu xin ấy không được toại nguyện thì những người dân biển rất thực tế này liệu có đến cúng vái bên mộ chị Sáu nữa không. Ngược lại, người đến cầu xin ngày một đông. Đủ biết niềm kính yêu thiêng liêng ấy nói lên điều gì.
Một bằng chứng không thể chối cãi nữa là bất cứ kẻ nào đụng tới điều thiêng liêng ấy đều chết bất đắc kỳ tử.
Như tên Nghị tù thường phạm từ Phủ Lợi bị đày ra đảo được tuyển vào làm trật tự an ninh nhà tù. Vâng lời tên chúa đảo say máu, Nghị hung hăng.
- Sợ gì, để tôi đập bia Võ Thị Sáu, coi ai làm gì nổi tôi.
Nghị hung hăng xách búa đến đập bia chị Võ Thị Sáu, sáng hôm sau một tấm bia mới đã lại mọc lên. Chúa đảo cho đi gọi Nghị, nhưng Nghị đã nằm liệt một chỗ, không dậy nổi, hồi lâu lại gào lên thảm thiết:
- Tội nghiệp em! Cô Sáu ơi, em lỡ dại.
Ba hôm sau Nghị chết.
Lại như cuộc cải huấn do cố vấn Mỹ và Đài Loan khởi động, để trắc nghiệm tư tưởng tù nhân, chúng khơi lại chuyện đập mộ chị Võ Thị Sáu. Thằng Sước, tù quân phạm, trật tự tại trại 7 xung phong.
Một tên đồng phạm cảnh cáo Sước:
- Mày coi chừng kẻo tối nay loạng choạng, cô Sáu kéo xuống biển cho vích ăn thịt đấy.
Sước ngông nghênh:
- Hà hà... Để tối nay tao ra biển cho tụi bây coi...
Đập bia chị Võ Thị Sáu xong, Sước lấy tiền thưởng uống rượu. Đêm vắt áo lên vai ngất ngưởng ra biển. Sáng hôm sau không thấy Sước điểm danh, ra biển tìm, Sước đã chết cứng, lưng dính chặt vào đá.
Dân Côn Đảo kể cho tôi nghe chuyện về chúa đảo Tăng Tư. Tăng Tư rất giữ lễ đối với cô Sáu. Vì vậy được thăng tiến. Từ phụ tá tỉnh trưởng lên phó tỉnh trưởng rồi tỉnh trưởng. Ngày nhận chức, Tăng Tư tạ ơn vị thần hộ mệnh một con heo quay, rồi khấn vái gieo quẻ, Tăng Tư nài nỉ cô Sáu:
- Trăm lạy cô, ngàn lạy cô. Cô đã thương em thì thương cho trót. Nếu cô không đồng ý cho trùng tu mộ thì xin cô cho em đắp lại mộ và đặt một tấm bia đá cho cô.
Gieo được quẻ, Tăng Tư cho vợ về chợ Lớn đặt ngay một tấm bia cẩm thạch đưa ra làm lễ đặt bia long trọng.
Đó là tấm bia đẹp nhất và tồn tại cho đến tận bây giờ. Đến bên mộ chị Sáu, chúng tôi vẫn được thấy tấm bia ấy. Khi xem bộ phim dài tập Khát vọng bất diệt quay về Côn Đảo, chúng tôi rất may được gặp vợ chồng Tăng Tư trong phim. Hai ông bà còn sống cho đến tận bây giờ, kể lại lòng kính yêu chị Sáu và nhắc lại tấm bia vợ chồng ông đã dựng ngày ấy, giọng kể đầy xúc động như ngày nào vợ chồng ông xin quẻ bên mộ chị Sáu linh thiêng.
Đứng bên mộ chị Sáu, cô thuyết minh của Ban quản lý khu di tích lịch sử Côn Đảo nói rằng những sự kiện của Nghị, của Sinh, của Tăng Tư chỉ là sự trùng lặp ngẫu nhiên. Khách thăm Côn Đảo chúng tôi cho rằng cô chưa tin ở tâm linh, chưa tin ở sự linh thiêng của chị Sáu. Chúng tôi suy nghĩ đơn giản, 20.000 tù nhân bị tử hình, bị chết ở Côn Đảo, vì sao chỉ một mình chị Võ Thị Sáu được nhân dân xây đền thờ riêng. Và trên khắp đất nước này nhiều trường học mang tên Võ Thị Sáu, nhiều thành phố có tên đường Võ Thị Sáu. Vậy có phải đó là một sự ngẫu nhiên không?
Ở Côn Đảo có hai ngôi đền thờ được dân Côn Đảo tôn vinh là hai vị thần của mình. Một là đền thờ chị Võ Thị Sáu, “người anh hùng đã chết cho đời sau”; một đền thờ bà Phi Yến vợ vua Gia Long, bà đã khuyên Gia Long không nên “cõng rắn cắn gà nhà”, bị vua Gia Long giam ở một hang sâu cho đến chết, con bà khóc đòi mẹ, đã bị Gia Long vứt xuống biển. Sự kiện ấy còn để lại tại Côn Đảo một câu ca dao bất hủ:
“Gió đưa rau cải về trời
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”.
Đã từ lâu tôi đã thuộc câu ca dao này. Đến Côn Đảo tôi mới biết rõ sự tình của nó: Cải là hoàng tử Cải, con bà Phi Yến và Răm là tên thường gọi của bà.
Đến Côn Đảo, hầu như không một ai không đến thắp hương ở hai đền thờ thần này. Còn dân Côn Đảo, có gì cần cầu xin đều đến hai đền thờ này cúng vái. Dân bảo hai đền này thiêng lắm.
Nói đến các vị thần, tôi sực nhớ tới một bài thơ của một nhà thơ quen biết:
“Đời là một cuộc phù du
Ai lo cho nước phục thù cho dân
Một đời liêm khiết, cách tân
Dân tin phong thánh phong thần thiên thu”.
Chị Võ Thị Sáu được dân yêu, dân tin phong thần cho cũng với ý nghĩa ấy.
Chỉ riêng tiếng hô của chị Võ Thị Sáu khi 7 nòng súng đã đặt ngón tay vào cò súng, trong tích tắc nữa súng nổ trong án tử hình:
- Đả đảo thực dân Pháp.
- Việt Nam độc lập muôn năm.
- Hồ Chủ tịch muôn năm.
Thì đó cũng chính là lời thề của người lính chúng tôi khi cầm súng đi giải phóng miền Nam. Sự đồng điệu ấy, chính là ý chí của một thời đại anh hùng.
Hôm nay đang nhớ chị Võ Thị Sáu, đi trên đường Lý Thường Kiệt của Huế, bên Trường tiểu học Lê Lợi, tôi bỗng nghe tiếng hát của các em từ trong trường vọng ra:
“Mùa hoa lêkima nở, ở quê ta miền đất đỏ, thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng đã chết cho đời sau.
Người thiếu nữ ấy như mùa xuân, chị đã dâng cả cuộc đời, đi chiến đấu với bao niềm tin và chết vẫn không lùi bước...”
Nghe các em hát, tôi thật sự xúc động, thì ra thế hệ các em nhỏ bây giờ vẫn không hề quên chị Sáu, vẫn lấy tấm gương của chị làm hướng đi cho thế hệ mình.
Trước sự xúc động ấy, tôi viết những dòng thương nhớ chị Võ Thị Sáu, làm thẻ nhang thắp lên mộ chị những ngày thiêng liêng này.