Côn Đảo không chỉ có những di tích lịch sử hào hùng mà còn có nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc. khách thăm quan sẽ được hòa mình vào nhiều lễ hội hấp dẫn: ngày Côn Đảo, ngày giỗ cô Sáu, ngày lễ Vu Lan, lễ hội miếu bà Phi Yến.
Ngày Côn Đảo
Hàng năm cứ đến tháng 7 các cựu tù chính trị lại mong muốn trở lại Côn Đảo để cùng nhắc nhớ nhau về những câu chuyện nghĩa tình lao khổ trong 113 năm lịch sử nhà tù Côn Đảo. Hôm nay 27-7 không chỉ là ngày tri ân thương binh liệt sĩ của cả nước, còn là lễ giỗ chung (20-6 âm lịch) của những người tù chính trị đã mất tại Côn Đảo.
Từ ý tưởng của nguyên Thủ tướng
10 năm trước, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đưa ra ý tưởng về một “ngày Côn Đảo” và đến hôm nay, “ngày Côn Đảo” được long trọng tổ chức lần thứ hai.
“Nên chăng một lễ cầu siêu long trọng dành cho những người đã khuất sẽ được cử hành định kỳ hằng năm, tiếp nối từ truyền thống dân tộc như một mỹ tục mới mà chúng ta sẽ xây dựng. Ngày ấy rất có thể được chọn làm “ngày Côn Đảo” được tiến hành trong cả nước. Ngày Côn Đảo cũng là ngày hành hương dành cho thân nhân các gia đình liệt sĩ đã ngã xuống nơi đây và cũng đánh dấu ngày mở đầu Mùa thăm quan, nghỉ dưỡng Côn Đảo” - nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Ngày giỗ chung
Chiều 26-7, đền thờ Côn Đảo nhộn nhịp trong đám giỗ lớn. 22 nhóm cụm dân cư và các cơ quan ở Côn Đảo tụ họp, xôn xao trong hội thi nấu ăn. Mỗi nhóm một món, các cô, các chị cắm cúi chăm chút nêm nếm thật đậm đà, trang trí thật đẹp trước khi rón rén mang bày trên bàn thờ, thắp nén nhang thơm. Trên hành lang đền thờ, dưới bóng hồng chung, từng nhóm thanh niên quây lấy những bác, những chú cựu tù, say mê nghe kể chuyện ngày xưa. Có lịch sử đặc biệt, Côn Đảo và nhất là nghĩa trang Hàng Dương thường tổ chức những đám giỗ, nhưng hôm nay ai cũng xuýt xoa: “Lần đầu tiên làm tại đền thờ, không ngờ đám giỗ lớn thế này...”.
Không lớn sao được khi đây là đám giỗ chung của hai vạn người tù đã nằm lại Côn Đảo. Từng người cựu tù tóc bạc, chân yếu, chống nạng theo nhau đến trước bàn thờ, tỏa ra các ngôi mộ trong nghĩa trang Hàng Dương. Đền thờ Côn Đảo nghi ngút khói hương, tiếng chuông trầm bổng, lời văn tế vấn vít: “Ngút ngàn sóng bể, đảo quê hương cô quạnh lúc xế tà/ Côn Lôn nhấp nhô, ngày hai bận theo hải triều lên xuống/ Vạn oan hồn lẩn khuất... Cái chết như lưỡi dao sắc cứa tim đồng đội, như lời nhắn gởi vững tin vào thắng lợi ngày mai/ Vĩnh viễn ra đi đem cái sống còn cho người ở lại, quằn quại đớn đau, vẫn rực lên niềm tin tưởng diệu kỳ/ Món nợ ân tình ngày càng lớn mãi, biết bao giờ đền đáp được ơn sâu/ Bởi cái chết chưa phải là đã hết, chết vì non sông vẫn sống mãi muôn đời...”. Không mấy trau chuốt, không chuẩn niêm luật nhưng là những lời tế được viết ra từ trong tim, ông Bùi Văn Toản, “hạt nhân” của lễ giỗ, đã chứng minh lòng thành của mình bằng mấy mươi năm làm việc cho Côn Đảo và vì Côn Đảo. “Rất khó khăn, rất vất vả từ việc thống nhất chủ trương, quan điểm đến tổ chức, đến kinh phí, nhưng việc phải làm vẫn cứ làm, việc phải thành vẫn cứ thành, ấy là do những thúc đẩy đã được ấp ủ từ những ngày tù ngục Côn Đảo” - ông nói như đinh đóng cột giữa hàng trăm công việc tổ chức đang vây bọc.
Trời sụp tối, gió lồng lộng và đúng như dự đoán, trời không đổ mưa. Nhóm múa của các cô cựu tù, lạ thay, vẫn duyên dáng, dẻo mềm trong điệu nhạc hùng tráng, những giọng hát tuổi 70 vẫn cao vút: “Giữa ngàn thác lũ nghiêng trời đất, nhưng cánh hoa kia vẫn ngược dòng... Lời hẹn hò rướm máu trong tim/ Lời dặn dò thắm thiết sao quên/ Dù chị đi, dù em đi xa mãi cuộc đời/ Nhưng nụ cười còn đó trên môi...” (Những cánh hoa ngược dòng - Hồng Nguyễn). Những bài hát của một thời cứ thế tiếp nối nhau. Dù thấm mệt sau những chuyến bay, chuyến tàu, chuyến xe dài để đến được Côn Đảo, nhưng các ông cựu tù đầu bạc tuổi 70, 80 vẫn lắc đầu khi được mời ra xe về nghỉ. Ai cũng bảo: “Tuổi già nhiều bệnh thật nhưng tinh thần mạnh, lòng vui, thế là khỏe. Không sao đâu”. Đã nhiều lần cùng các ông đến Côn Đảo, hôm nay thật sự thấy ai nấy đều như trẻ ra, dù rằng trong ba tháng chuẩn bị đã có ba ông bất ngờ từ trần, phải rút tên khỏi danh sách tham dự. Lễ giỗ kết thúc đúng với phong tục của từng gia đình người Việt khi mỗi người được chia một phần lộc cúng mang về.
Niềm vui anh hùng
“Bác sĩ đây, cứu tinh của chúng tôi đây” - ông Nguyễn Nhành chợt reo to khi vừa ngẩng lên bên ngôi mộ của Anh hùng lực lượng vũ trang Lưu Chí Hiếu, một trong những ngôi sao sáng Côn Đảo. Ông lao đến ôm chầm lấy một người đàn ông có điệu bộ quắc thước và nụ cười hiền lành, tay vẫy rối rít những người bạn đồng lao: “Bác sĩ Triết ở đây”. Lập tức, một vòng vây hình thành, quây tròn xung quanh. Bác sĩ Nguyễn Minh Triết mỉm cười gật đầu chào mọi người. Những ông cựu tù mới phút trước còn trầm mặc trước những ngôi mộ đồng đội, thoắt đã hớn hở cười, ai cũng giơ ngón tay chỉ vào mình rồi quay sang chỉ bác sĩ: “Tôi còn sống chính là nhờ ông ấy. Ông ấy đã cứu hàng ngàn sinh mệnh tù chính trị”.
Bác sĩ Triết cũng là một tù chính trị. Ông bị bắt năm 1968, vào tù, bị đày ra Côn Đảo, biết ông là bác sĩ, giám thị trại lập tức đưa ông lên phục vụ ở trạm xá. Chính nơi đây, những người tù tả tơi sau một trận tra tấn, suy kiệt sau một đợt tuyệt thực... đã được ông cấp cứu, cho thuốc, truyền dịch, tìm mọi cách giữ lại trạm xá để chăm sóc. Bốn năm ở Côn Đảo, hàng chục người phải cấp cứu mỗi ngày, bằng tấm lòng đồng đội, ông đã làm được nhiều việc hơn cả một đời bác sĩ. Ông Nguyễn Nhành, ông Mai Hồng cùng đồng thanh nói: “Ông ấy xứng đáng là anh hùng”. Bác sĩ Triết mỉm cười xua tay: “Không, chỉ là nghề nghiệp của tôi thôi. Các anh mới đáng anh hùng”.
Đây là lần đầu bác sĩ Triết trở lại Côn Đảo cùng một tập thể cựu tù chính trị lớn thế này, những lần trước ông chỉ đi với gia đình. Câu chuyện rộn ràng bất ngờ ở Hàng Dương quanh ông hôm nay mang một niềm tự hào thật đặc biệt: hôm nay, tất cả họ đều đã trở thành anh hùng với danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang được tặng cho tập thể tù chính trị Côn Đảo giai đoạn chống Mỹ.
Mỗi cựu tù chính trị đều từng quá quen thuộc với xà lim, ngục tối, chuồng cọp ở Côn Đảo, từng nhiều lần kể đi kể lại những câu chuyện thử thách ý chí và sức chịu đựng, những cuộc tấn công vào tinh thần lẫn bản năng con người, nhưng trong câu chuyện hôm nay có thể nghe rõ niềm vui, niềm tự hào lấp lánh trong từng câu nói, từng tiếng cười, từng giọt nước mắt. Bà Nguyễn Thị Lựu (Tuy Phước, Bình Định) dẫn tay người bạn đi qua khu nhà trừng giới, chỉ vào những xà lim nhỏ hẹp với cánh cửa sắt đầy đe dọa của trại Phú Hải (trại 2): “Tôi đã ở đây bốn năm, phòng tôi có năm chị mất vì suy kiệt”, rồi bà bỗng hát: “Chốn lao tù là nơi ta rèn tâm trí/ Đây cũng là chiến trường mà ta không cần vũ khí”. Nhìn đội tiêu binh rước cờ, danh hiệu Anh hùng lên sân khấu, nhiều người lại rơi nước mắt, lại nhìn vào những hàng mộ trong nghĩa trang Hàng Dương...
Ngày Giỗ Cô Sáu
Cô Sáu hy sinh ngày 23-1-1952 đã trở thành một ngày hội của người dân Côn Đảo…Gia đình nào cũng làm giỗ chị. Nhà nhà mang hoa, mang lễ ra thắp hương kín mộ chị từ sáng tới khuya. Từ một liệt sỹ anh hùng hy sinh vì dân, vì nước, để rồi trở thành một vị thần hộ mệnh của nhân dân Côn Đảo, đó là điều mà chỉ có chị- người cộng sản kiên trung bất khuất hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ mới làm được!
Hình ảnh người con gái anh hùng Đất Đỏ Võ Thị Sáu ai ai cũng biết. Chị Sáu sinh năm 1933 tại thị trấn Đất Đỏ, huyện Long Đất. Năm 1947, khi mới 14 tuổi, Võ Thị Sáu trở thành chiến sĩ trinh sát của Đội Công an xung phong Đất Đỏ. Tết Canh Dần (1950), Võ Thị Sáu tình nguyện tìm diệt bọn ác ôn chuyên vào chợ Đất Đỏ quê chị để cướp bóc. Diệt được bọn ác ôn này, nhưng Sáu lại bị bọn ác ôn khác đuổi theo, bắt được. Tháng 4- 1950, Võ thị Sáu bị giam ở khám Chí Hòa. Bọn Pháp mở phiên tòa xử chị “án tử hình” khi chưa đủ tuổi thành niên. Pháp sợ dư luận phản đối, nên chúng đưa Võ Thị Sáu ra Côn Đảo để hành quyết. Bốn giờ sáng ngày 21-1-1952, tàu chở Võ Thị Sáu cùng với 40 tù chính trị và 3 tử tù nữa vượt biển ra Côn Đảo. Ngày 23-1-1952, người tử tù nhỏ tuổi nhất ở Côn Đảo không cho kẻ thù bịt mắt, cất cao tiếng hát “Tiến quân ca”: Đoàn quân Việt nam đi. Sao vàng phất phới... Khi giặc nổ súng, Võ Thị Sáu thét lên: Đả đảo thực dân Pháp! Việt Nam độc lập muôn năm! Hồ Chủ Tịch muôn năm!
Bảy tên đao phủ đứng cách chị vài mét, đồng loạt nổ súng, nhưng chị không chết. Vì bọn đao phủ bị hoảng loạn, run rẩy trước ánh mắt nhìn của chị Sáu.Tên đội lê dương tức giận rút súng ngắn tiến lại, dí tận mang tai chị bóp cò. Đó là 7 giờ sáng ngày 23-1-1952, Võ Thị Sáu tròn 17 tuổi.
Đã 52 năm kể từ ngày Võ Thị Sáu hy sinh, tên chị đã thành tên nhiều đường phố, trường học ở rất nhiều thành phố, thị xã trong cả nước. Chị đã bất tử đi vào thơ ca, âm nhạc, điêu khắc. Nghiêng mình Sáu hái bông hoa ven đường / Cài lên mái tóc rối tung / Cất cao tiếng hát giữa vòng lưỡi lê... (PQ). Năm 1993, Võ Thị Sáu được Nhà nước truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tại thị trấn Đất Đỏ, đã dựng tượng Võ Thị Sáu cao 6 mét. Ở Côn Đảo, mộ chị SÁu ở Khu B được xây lại đàng hoàng hơn. Huyện Côn Đảo cũng đã xây dựng Nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu trong một khuôn viên rộng, kề bên núi và biển.
Ở tượng đài Võ Thị Sáu ở Đất Đỏ, lư hương khi nào cũng có những nén hương mới thắp, khói nghi ngút suốt ngày. Ở Côn Đảo, mộ chị Sáu ngày nào cũng có người đến thắp nhang. Bà con ở chợ Côn Đảo kể rằng, trước khi đi “ăn hàng” ở đất liền phải ra vái xin chị Sáu phù hộ. Anh Bảy Oanh, một cựu tù Côn Đảo hiện là Trưởng Ban quản lý Di tích Côn Đảo kể, ở Đảo bây giờ, nam nữ thanh niên trước khi làm đám cưới thường ra Hàng Dương viếng mộ chị Sáu. Họ thắp hương, cúng gương lược, rồi lầm rầm khấn vái mong chị phù hộ cho. Hiện vẫn con vài chục gia đình công chức, gác ngục thời ấy ở lại Côn Đảo, trong nhà họ đều có bàn thờ Chị Sáu. Chị Sáu đối với họ như thần hộ mệnh! Bà con gọi chị Sáu là Cô Sáu hoặc Bà Sáu. Khi thề bồi thì người ta nói: “Thề có Cô Sáu chứng giám”. Khi mắng nhau, thì bảo: “Cô Sáu vặn cổ mày đi”! Ngày 23-1 hàng năm là ngày giỗ chị Sáu. Đây là ngày giỗ rất lớn ở Côn Đảo mà Nhà nước và nhân dân đều cùng tổ chức. Ngày giỗ, nhiều người nấu cúng ở nhà. Nhiều người mang lễ vật, hoa quả, hương đèn ra Nhà tưởng niệm. Nhiều người ở Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Cần Thơ, Đồng Tháp..., dù phải vượt biển, vẫn ra Côn Đảo giỗ chị Sáu.
Trước đây Côn Đảo lấy ngày 23/01 DL hàng năm là ngày giỗ Nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu theo thông số của giấy báo tử của Thời Pháp đúng thời gian Cô đã hi sinh. Nay, ở đây chúng ta dựa vào ngày ÂL 27 tháng Chạp làm ngày giỗ của Cô, theo thông tin cập nhật từ Bảo tàng Côn Đảo, bắt đầu từ năm 2010.
Lễ Vu Lan
Nhân mùa Vu Lan, mùa của tri ân và báo ân, vào ngày 11-8-2013, Sư cô Thích Nữ Huệ Đức (Trụ trì Quan Âm Tu Viện, TP.HCM) đã dẫn đoàn gồm chư Ni và Phật tử của chùa đi thăm Côn Đảo để bày tỏ lòng tri ân sâu sắc của mình đến những vị anh hùng, liệt sĩ đã oanh liệt hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc.
Côn Đảo (hay còn gọi là đảo Côn Lôn) là một quần đảo ở ngoài khơi bờ biển Nam Bộ (Việt Nam) và cũng là huyện trực thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Ngày 1 tháng 2 năm 1862, tướng Bonard đã ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo, từ đó biến Côn Lôn thành nơi giam giữ những người tù chính trị Việt Nam với hệ thống chuồng cọp nổi tiếng. Dưới thời Pháp thuộc, trong dân gian đã lưu truyền câu ca dao rằng:
“Côn Lôn đi dễ khó về
Già đi bỏ xác, trai về nắm xương.”
Với chính sách đàn áp man rợ của quân thù, rất nhiều chiến sĩ cách mạng Việt Nam đã phải hy sinh tại Côn Đảo, trong đó có những nhân vật nổi tiếng như Nguyễn An Ninh, Lê Hồng Phong, Võ Thị Sáu…. Người ta đã ví những nhà tù ở Côn Đảo như là đại ngục trần gian, đủ thấy sự giã man, tàn bạo của quân thù đối với các tu binh như thế nào, Hiện tại, các vị anh hùng, liệt sĩ ấy được an nghỉ tại nghĩa trang Hàng Dương trên Côn Đảo.
Vào năm 1873, việc xây dựng Cầu tàu Côn Đảo đã khiến cho ít nhất 914 người đã ngã xuống trong quá trình lấy đá từ Núi Chúa mang ra biển để xây dựng cầu tàu. Để tưởng nhớ những người đã khuất, nên người ta đã đặt tên cho cây cầu ấy là Cầu Tàu 914.
Như vậy là có đến hàng chục nghìn người đã phải thiệt mạng tại Côn Đảo, biến Côn Đảo từ một hòn đảo trong lành, thơ mộng trở thành một hòn đảo của sự tàn bạo, chết chóc, âm khí nặng nề. Cũng may là vào năm 1964, một vị danh tăng thuộc Tổ đình Vĩnh Nghiêm, TP.HCM đã sáng lập chùa Vân Sơn (còn gọi là chùa Núi Một) tại Côn Đảo để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh cho dân chúng địa phương, cũng là nơi nương tựa cho anh linh những người đã khuất. Chùa Vân Sơn đã được trùng tu vào cuối năm 2011 và đã trở nên khang trang, rộng rãi và uy nghiêm hơn trước.
Trong chuyến viếng thăm Côn Đảo của mình, đoàn chư Ni và Phật tử Quan Âm Tu Viện đã đến đặt lẵng hoa hồng, thắp nến tại hơn 2,000 ngôi mộ ở nghĩa trang Hàng Dương và viếng mộ của chị Võ Thị Sáu, mộ chiến sĩ Nguyễn An Ninh, Lê Hồng Phong, và đến thăm các nhà tù tại Côn Đảo.
Bên cạnh đó, đoàn còn tổ chức Lễ Hỏa Tịnh, rải cát Mạn-đà-la cầu nguyện cho anh linh của các chiến sĩ cách mạng, tù nhân và đồng bào đã hy sinh vì chính nghĩa và tử nạn vì thiên tai, hoạn nạn, nhất là anh linh của những người đã ngã xuống cho sự độc lập, tự do của Tổ quốc và hòa bình, thống nhất đất nước Việt Nam thân yêu trên Côn Đảo.
Những ngon nến lung linh được thắp sáng trong đêm tại các nhà tù và trên các ngôi mộ ở nghĩa trang Hàng Dương đã tạo nên một không gian thiêng liêng và ấm áp nghĩa tình.
Đây là một việc làm vô cùng cao đẹp, thể hiện tinh thần biết ơn và đền ơn của người đệ tử Phật. Việc làm này càng đặc biệt hơn vì được thực hiện trong mùa Vu Lan, một mùa lễ hội để cho người con Phật tưởng nhớ và báo đáp thâm ân của cha mẹ, ân đức của những người ân nhân và không quên tưởng nhớ đến ân đức sâu nặng của các bậc tiền bối hữu công, các anh hùng liệt sĩ, các chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hy sinh để cho chúng ta có được cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay.