Để ý từ ngày đầu tiên gặp mặt, chàng trai lớp đệ tam (lớp 10 bây giờ) tìm mọi cách tiếp cận với cô gái gốc Biên Hòa. Thân quen một thời gian chàng trai mạnh dạn buông lời tỏ tình nhiều lần nhưng đều bị từ chối. Song, anh không ngượng mà còn thề "nếu còn tồn tại trên cõi đời này, tôi sẽ không từ bỏ ý định kết hôn với cô" rồi lên đường làm nhiệm vụ.
Trong một lần đang mai phục địch, chàng bị bắt giam và kết án tử hình. Hay tin này, cô gái xúc động và tự nhận mình là vị hôn thê của người tử tù. Ngày đất nước giải phóng hai người có dịp tái ngộ và kết duyên thành vợ chồng.
Lời tỏ tình thời hoa lửa
Người chúng tôi muốn đề cập đến chính là đôi trai tài, gái sắc có mối tình sâu đậm nổi tiếng một thời ông Lê Hồng Tư (SN 1935), người bị ngụy quyền Sài Gòn kết án tử hình rồi đày ra Côn Đảo và bà Nguyễn Thị Châu (SN 1938, đều ngụ phường 3, quận 10, TP.HCM), nữ cộng sản trung kiên trong phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn-Gia Định ngày ấy.
Trong không gian ấm cúng, hạnh phúc của đại gia đình, ông Tư nheo đôi mắt già nua lật giở lại ký ức cách đây hơn nửa thế kỷ: "Thời khắc định mệnh ấy là vào đầu năm 1957, tôi là công nhân hỏa xa, từng tham gia đánh úp chính quyền Sài Gòn nhiều lần suýt bị lộ nên tổ chức bố trí cho tôi đi học lớp đề tam ở trường Văn Lang. Với học lực khá, tôi được giữ cương vị cán bộ lớp. Tình cờ tôi gặp cô Châu xuất thân trong một gia đình lao động nghèo ở tỉnh Biên Hòa (nay là tỉnh Đồng Nai) đến xin đăng ký vào lớp đại số học.
Ấn tượng đầu tiên về mái tóc dài thướt tha, làn da trắng trẻo, ăn nói nhẹ nhàng, lễ phép của cô khiến con tim tôi loạn nhịp. Như có sức hút đặc biệt, tôi tận tình chỉ dẫn cho cô làm thủ tục nhập học đến cả việc sắp xếp chỗ ngồi. Nhờ sự trợ giúp của tôi, cô Châu nhanh chóng hòa nhập với bạn bè, trường lớp trở thành thành viên nòng cốt của phong trào học sinh, sinh viên. Từ đó, tôi phát hiện cô Châu không chỉ đẹp người, đẹp nết mà còn học rất giỏi".
Ông Tư và bà Châu hạnh phúc bên nhau. Ảnh nhân vật cung cấp.
Cứ thế, hình ảnh cô Châu khắc sâu trong tâm trí anh cán bộ lớp. Do có sự quan tâm đặc biệt, anh Tư biết được hoàn cảnh của cô Châu. Anh còn đề bạt cô Châu làm phó lớp để chỉ dẫn, giảng bài cho các bạn học yếu hơn. Một lần nọ anh đích thân tìm đến chỗ trọ của Châu xem cô sinh sống ra sao. Chứng kiến Châu tá túc trong một ngôi miếu xập xệ nhưng vẫn chăm chỉ làm bài, anh rất xúc động và đem lòng cảm mến. Thấy vậy, anh Tư tự động bỏ tiền túi và vận động các bạn có gia cảnh khá thuê cho Châu nơi ở sáng sủa hơn. Thế là Châu được tạo điều kiện ở cùng với hai cô bạn cùng lớp.
Tình yêu đơn phương của anh Tư ngày một lớn dần, anh lui tới chỗ trọ của Châu thường xuyên hơn. Anh tìm hiểu gia cảnh của Châu ở Biên Hòa. Tết đến, anh lặn lội xuống nhà Châu chúc tết. Nhờ khiếu ăn nói và biết cách lấy lòng người lớn, anh Tư được gia đình Châu quý mến. Thậm chí, anh trai của Châu còn "ủy quyền" cho anh chăm sóc Châu ở Sài Gòn.
Một năm sau, phong trào học sinh, sinh viên dâng cao, tổ chức yêu cầu anh Tư phải rút đi gấp, còn Châu phải chấp nhận ở lại lớp làm nhiệm vụ vận động các sinh viên khác tham gia vào tổ chức. Biết rằng, ngày mai hai người sẽ ít có cơ hội gặp lại nhưng anh Tư không dám tỏ tình, còn Châu vẫn dửng dưng với anh. Một vài người bạn hay chuyện khuyên anh Tư: "Thương người ta thì tìm cơ hội mà bày tỏ sớm, kẻo mất đó". Anh Tư canh cánh trong lòng nhiều đêm không ngủ được.
Đợi đến ngày hai cô bạn cùng phòng Châu về quê thăm nhà, anh Tư đến chỗ Châu chơi và lấy hết can đảm bày tỏ tình cảm của mình: "Tôi có một người yêu, gia cảnh khó khăn nhưng tính nết hiền dịu, lễ phép lại cùng chí hướng với tôi. Theo Châu người đó có thích hợp với tôi không?". Cô Châu nghe xong bình thản trả lời: "Vậy thì tốt quá, cô ấy là ai? Anh Tư rụt rè: "Đó chính là Châu". Nhìn thẳng vào mắt anh Tư, Châu khẳng định chắc nịch: "Tôi không có ý định lập gia đình, tôi đã hứa với mẹ sau khi học xong sẽ đi làm để nuôi các em nhỏ. Anh tìm đối tượng khác đi".
Lần đầu tiên bị từ chối tình cảm, Tư thấy lòng mình đau quặn thắt nhưng anh không từ bỏ ý định và trái tim vẫn luôn dành cho Châu. Sau đó, chiến tranh ác liệt diễn ra, hai người vẫn thường xuyên gặp nhau trao đổi công việc, truyền tin và trò chuyện nhưng con tim Châu vẫn đóng chặt. Không khuất phục, Tư lại hỏi: “Tình cảm của Châu có gì mới không?”. Châu vẫn lắc đầu. Vài lần sau hai người gặp lại, Tư lại hỏi nhưng vẫn không biến chuyển. Ngày Tư tiễn Châu ra bến xe về lại trường anh đã thề: "Nếu tồn tại trên cõi đời này, tôi sẽ không từ bỏ ý định kết hôn với cô". Song, Châu vẫn giữ thái độ im lặng và quay mặt đi.
Đáp lại tình cảm bằng sự cảm phục
Sau những giây phút rung động đầu đời, Tư bị cuốn vào những ngày chiến đấu, mưu sát địch bằng những quả tạc đạn. Đầu năm 1961, sơ suất trong lúc làm nhiệm vụ, Tư và đồng đội bị địch bắt giam. Những ngày tháng trong lao tù anh bị tra tấn dã man đến thừa sống thiếu chết. Tuy nhiên, tình cảm anh dành cho người con gái gốc Biên Hòa vẫn son sắt, thủy chung. Anh ước rằng cái ngày đất nước thống nhất sẽ đi tìm cô gái này để tiếp tục thổ lộ tình cảm. Dù cô có ra sao anh vẫn muốn cưới làm vợ.
Đến tháng 8/1961, Tư bị tòa án chính quyền Sài Gòn kết án tử hình. Cùng thời điểm đó, Châu cũng bị địch bắt giam vì bị lộ trong lúc tuyên truyền, vận động. Đang ngồi trong phòng biệt giam thì cô nhận được một tờ báo. Khi giở ra đọc thấy có tin tòa án xử 4 án tử hình: Lê Hồng Tư, Lê Quang Vịnh, Phạm Văn Dẩu và một tử tù khác". Tự dưng mắt Châu đẫm lệ nhưng không dám khóc vì sợ địch phát hiện lại tra tấn.
Trước sự kiện này, trong cô bắt đầu trỗi dậy một tình yêu mãnh liệt đối với anh Tư. Như có vật gì thôi thúc, cô tự động báo với chi bộ tù nhân: "Tử tù Lê Hồng Tư là vị hôn phu của tôi". Nhiều tù binh khác thấy vậy liền chia buồn và khóc thương cho hạnh phúc thương đau của Châu. Mặt khác dò hỏi Châu: "Lúc Tư tỏ tình Châu không đồng ý giờ sao lại nhận là vị hôn phu?". Châu vô tư đáp: "Vì ngày đó gia cảnh nghèo, các em còn nhỏ, tôi nào dám mơ đến hạnh phúc của mình". Nhưng sau những ngày làm việc với anh Tư, tôi đã hiểu ra tấm lòng của anh ấy. Giờ anh Tư sắp lìa đời mà vẫn trong tâm trạng chờ đợi một tình yêu nên tôi đã quyết định nói ra tình cảm thật của mình". Nếu sau này tôi còn sống, tôi sẽ ở vậy để vẹn tròn nghĩa tình với anh ấy. Châu xin cậy nhờ mọi người chuyển lời này đến anh Tư".
Hồi kết đẹp như mơ
Với những lý do về quân sự, chính trị, chính quyền Sài Gòn không xử tử anh Tư mà đày ra Côn Đảo chịu nhục hình. Cuối 1964, Tư nhận được thông báo của một bạn tù mới chuyển từ đất liền ra: "Cô Châu nhận anh là vị hôn phu của cô ấy và nhắn anh hãy giữ bản lĩnh vững vàng, chờ ngày đất nước thống nhất để đoàn tụ". Nghe xong tin này, anh Tư mừng rỡ và lúc nào cũng hướng về vị hôn thê. Mọi sự chờ đợi cuối cùng đã kết thúc, tử tù Tư cùng các bạn tù đã được chứng kiến giây phút thành công của cách mạng. Tư được gặp lại Châu ở Cảng Bà Rịa-Vũng Tàu vào tháng 5/1975. Hai người mừng vui khôn tả, họ nắm chặt tay nhau hứa hẹn hạnh phúc. Đám cưới của người tù chính trị diễn ra đạm bạc với bánh kẹo và nước trà.
Những người cùng chung cảnh ngộ trước đây nghe tin Tư và Châu lấy nhau đã rủ nhau đến dự đám cưới chúc mừng. "Hai người nên chồng vợ khi tôi xấp xỉ 40, còn vợ thì 37. Đám cưới gia đình chỉ mời 200 khách, nhưng đến tham dự tới 600 khách. Thế là, gia đình không bố trí đủ chỗ ngồi nhưng các vị khách rất thông cảm và tự chia sẻ nhau chiếc bánh, ly trà đến khuya mới về. Cuộc sống càng vui hơn, khi đứa con trai chào đời. Hằng ngày vợ chồng tất bật với công việc nhưng vẫn đảm bảo hạnh phúc gia đình đến tận bây giờ", ông Tư tâm sự.
Điều kỳ diệu đã xảy ra
Bà Nguyễn Thị Châu tâm sự: "Do bị tù đày, chịu sự tra tấn dã man của địch nên các bác sỹ nhận định hai vợ chồng tôi khó có con. Dẫu vậy, hai vợ chồng không buồn và tin rằng cuộc sống sẽ có điều kỳ diệu xảy ra. Hai năm kể từ ngày kết hôn, tôi hạ sinh đứa con trai kháu khỉnh, gia đình ai nấy đều phấn khởi, hạnh phúc. Đến nay, con trai duy nhất của tôi đã lập gia đình và sinh sống hạnh phúc với hai vợ chồng tôi".
Nguồn: nguoiduatin.vn