hành trình Côn Đảo, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy bàng là một loại cây mọc nhiều bên mỗi con đường, trước cửa nhà dân và len lỏi trong các khu dân cư. Có lẽ không ở đâu bàng lại được trồng nhiều như ở Côn Đảo. Điều đáng nói là từ quả bàng, người dân Côn Đảo đã có thêm thu nhập và cải thiện đời sống khi hạt bàng trở thành một món quà đặc sản cho khách thăm quan khi đến với Côn Đảo trong những năm gần đây.
Cây bàng ở Côn Đảo gắn với lịch sử đấu tranh của những người tù cộng sản bị lưu đày, giam cầm tại hệ thống nhà tù Côn Đảo trong thời kỳ chiến tranh. Người tù thường hái lá, quả bàng để ăn chống đói, chữa bệnh kiết lỵ và chữa lành vết thương trước những trận đòn roi tra tấn của bọn cai ngục. Vì thế, cây bàng Côn Đảo đã trở thành “chứng tích” trong một giai đoạn lịch sử của dân tộc. Năm 2012, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã công nhận Cây di sản Việt Nam cho 7 quần thể và một cây cổ thụ có giá trị lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện Côn Đảo, trong đó có 53 cây bàng, với độ tuổi ước tính trung bình từ 130-149 năm.
Cây bàng có trong các di tích lịch sử nhà tù: trại Phú Sơn, Phú Hải; trên những con đường: Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng; hay trước cửa nhà dân... tỏa bóng mát và tô thêm màu xanh cho huyện đảo và còn cung cấp món quà đặc sản Côn Đảo, đó là mứt hạt bàng. Chị Nguyễn Thùy Hương, Nhà khu 8, huyện Côn Đảo cho biết gia đình chị đã gắn bó với nghề làm đặc sản hạt bàng từ 9 năm nay. Mùa bàng rộ, gia đình chị thường mua hạt của những hộ dân trên địa bàn mỗi lần từ 1 – 2 bao, mỗi bao khoảng 50kg hạt. Sau đó rang lên, rồi đóng gói bán cho khách thăm quan hoặc bỏ mối cho các điểm bán lẻ.
Hạt bàng Côn Đảo hiện chế biến hoàn toàn thủ công, được rang theo 2 vị mặn và ngọt. Bàng rang ngọt khó hơn rang muối vì nếu không biết canh lượng đường, canh lửa thì đường sẽ không khô và không bám đều lên khắp hạt bàng. Ở những xưởng sản xuất quy mô như nhà chị Hương, mỗi mẻ sẽ rang khoảng 10 kg, trong thời gian 1 tiếng, để lửa nhỏ và phải đảo thật đều tay để bàng không bị cháy. Một kg hạt bàng rang tùy thời điểm có giá từ 200.000 - 400.000 đồng, hạt bàng mặn bán bằng giá với hạt bàng ngọt.
Khi ăn, mứt hạt bàng Côn Đảo để lại vị bùi, béo, thơm ngon nơi đầu lưỡi và rất dễ sử dụng. Mứt hạt bàng đã trở thành món quà đặc trưng của Côn Đảo, được nhiều khách thăm quan mua về làm quà. Chị Nguyễn Thị Xanh, Lữ khách đến từ TP. Cần Thơ cho biết, đây là lần thứ ba chị đến Côn Đảo và lần nào chị cũng mua mứt hạt bàng về làm quà cho người thân. “Tôi đi trải nghiệm nhiều nơi nhưng chỉ ở Côn Đảo mới có mứt hạt bàng. Mứt hạt bàng Côn Đảo vừa có vị ngọt, vị mặn, lại có loại không ướp vị nên tôi dễ dàng lựa chọn”, chị Xanh nói.
Nghề làm mứt hạt bàng đã tạo thêm thu nhập cho người dân huyện đảo. Tuy nhiên, do bàng chỉ đơm hoa, kết trái theo mùa, các công đoạn chế biến lại bằng thủ công nên người dân Côn Đảo chỉ coi đây là nghề kiếm thêm thu nhập lúc rảnh rỗi. Dù vậy, mứt hạt bàng Côn Đảo đã có thương hiệu và luôn được lữ khách mua về làm quà.