Côn Đảo mang trong mình biết bao dấu ấn, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, Côn đảo xưa kia được ví như địa ngục trần gian thì nay côn đảo đã chở thành một hòn đảo hành trình nổi tiếng với phong cảnh tuyệt đẹp, nhưng vẫn mang trong mình dấu tính của một thời hao hùng của dân tộc, Nếu quý khách đến côn đảo vào những ngày tháng tư sẽ thấy Côn Đảo thật đẹp và nhộn nhịp hơn ngày thường. Nắng chan hoà giữa màu xanh của biển và của những tán lá bàng. Nơi vốn là địa ngục trần gian khét tiếng cả thế giới năm xưa giờ đã trở thành một địa điểm trải nghiệm lý tưởng, một khu di tích lịch sử cách mạng vĩ Đại.
Về nguồn
Tôi thấy trong dòng người về Côn Đảo không chỉ có những chiến sĩ cách mạng - cựu tù Côn Đảo trở về nơi đây để nhớ lại những kỷ niệm đau thương, mà còn có cả những bạn trẻ, kiều bào nước ngoài và đặc biệt trong dòng người ấy có rất nhiều khách thăm quan quốc tế. Và thật ý nghĩa chuyến đi về nguồn của đoàn cán bộ phụ nữ của Công an thành phố Hà Nội cũng có mặt tại Côn Đảo vào những ngày này.
Trải qua 113 năm đen tối với hệ thống nhà tù khủng khiếp từ khi thực dân Pháp thành lập nhà tù Côn Đảo cho đến ngày Côn Đảo hoàn toàn giải phóng (1-2-1862 đến 1-5-1975) đã có gần 8.000 tù nhân, trong đó có 4.243 tù chính trị, 494 phụ nữ bị giam cầm, đọa đày ở nơi địa ngục trần gian này. Dày đặc hệ thống nhà tù, biệt giam, hàng loạt biện pháp tra tấn hành hình dã man, lao động khổ sai, để đến bây giờ nghĩa trang Hàng Dương đã vùi chôn bao số phận và có những ngôi mộ vô danh. Nơi đây là nơi yên nghỉ của hàng nghìn chiến sĩ cách mạng Việt Nam.
Người dân Côn Đảo kể rằng, trước đây vào mỗi mùa gió chướng là xương người lại nổi trắng trên đồi cát nghĩa địa Hàng Dương và cứ khi tìm thấy xương cốt ở đâu thì bia mộ được dựng lên ở đó. Có lẽ vì thế mà nghĩa trang Hàng Dương hoàn toàn khác những nghĩa trang liệt sĩ trên khắp cả nước, những bia mộ không có hàng có lối, có những tấm bia được khắc tên khắc tuổi, có những tấm bia chỉ đề hai chữ “vô danh”, lại có tấm bia đề hai chữ đồng chí… Và ở nghĩa trang Hàng Dương bây giờ có tới 39 ngôi mộ tập thể, trong số 1.912 ngôi mộ thì có tới 1.200 ngôi mộ khuyết danh.
Chiều nắng gắt, đoàn công tác phụ nữ CATP Hà Nội đến viếng nghĩa trang Hàng Dương. Một hình ảnh đẹp nhất của chuyến đi, một giây phút xúc động nhất mà tôi được chứng kiến là lúc này đây, khi Thượng tá Lê Hồng Lan - Trưởng ban Công tác nữ CATP Hà Nội, thay mặt đoàn công tác, bước lên phía trước. Chị Lan nghẹn ngào: “Thưa các anh, các chị, hôm nay, đoàn cán bộ phụ nữ chúng tôi được về thăm nơi yên nghỉ của các anh các chị. Cầu cho các anh các chị được đời đời yên nghỉ tại nơi đây dưới hàng dương rủ bóng, trong tình yêu thương và biết ơn của nhân dân và đồng chí. Tiếp nối truyền thống yêu nước kiên trung của các anh, các chị, chúng tôi nguyện đem hết sức mình để cống hiến cho đất nước, để giữ gìn sự bình yên cho nhân dân…”. Một phút mặc niệm, các chị cúi đầu lặng lẽ mà nước mắt trào ra, có chị đưa tay bưng mặt khóc, có chị nắm chặt gấu áo để kìm nén sự thương cảm.
Đến thăm những di tích lịch sử, viếng mộ người nữ Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu, viếng mộ liệt sỹ Cách mạng Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh… Ở Côn Đảo bây giờ vẫn còn sừng sững các hệ thống nhà tù: Banh I, Banh II, Banh III, chuồng cọp với những song sắt kiên cố để cai ngục đi lại kiểm soát hành hạ người tù bằng hình thức rắc vôi bột và nước bẩn vào người tù. Vẫn còn khu biệt lập chuồng bò nơi bọn Mỹ Ngụy dùng để nhốt bò, xây dựng một hầm chứa phân bò và sử dụng hầm phân bò này bí mật tra tấn người tù và ngâm xuống đó.
Chính tại nơi này, đến ngày Côn Đảo giải phóng còn phát hiện hai tù nhân đã bị chết. Vẫn còn các sở tù bắt người tù lao động khổ sai: sở lưới, sở ruộng, sở đập đá, sở lò gạch, lò vôi… Vẫn còn đây chứng tích cầu Ma Thiên Lãnh xây dựng dở dang, một địa thế hiểm ác dưới chân núi Chúa mà bọn chúa đảo bắt tù nhân khiêng đá xây cầu để bọn chúng tiện việc kiểm soát tù vượt ngục. Do bị lao dịch nặng nên đã có 356 người chết mà cây cầu mới xây được 2 mố cầu.
Vẫn còn đây cầu tàu lịch sử 914 nơi chứng kiến những cực nhục đầu tiên của những người bị đưa ra Côn Đảo và cũng là nơi chứng kiến giây phút vinh quang đầy xúc động khi Côn Đảo được giải phóng. Người ta nhẩm tính rằng có 914 người tù đã vĩnh viễn nằm lại nơi này, vì thế cầu tàu được mang tên 914. Những cái tên ấy, những bằng chứng sừng sững ấy đến bây giờ vẫn còn là bằng chứng sống, vẫn là một bản cáo trạng dài tố cáo tội ác dã man của kẻ thù.
Côn Đảo hôm nay
Côn Đảo hôm nay đã đẹp lên từng ngày. Nếu như kẻ thù muốn biến nơi đây thành địa ngục trần gian thì những người Việt Nam yêu nước và thế hệ người Việt Nam sau này đang biến một hòn đảo biệt lập và rùng rợn này thành một hòn đảo xanh, thanh bình, hiền hòa, một địa điểm khám phá lý tưởng. Ở Côn Đảo bây giờ đã có những khách sạn mới được mọc lên và còn nhiều hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng tiêu chuẩn quốc tế đang tiếp tục được xây dựng.
Hàng ngày từng đoàn khách Lữ Hành Việt Nam , quốc tế vẫn nườm nượp đổ về Côn Đảo không chỉ để thưởng ngoạn không khí trong lành mà còn để tận mắt chứng kiến hệ thống di tích Cách mạng vĩ đại của Việt Nam. Ở Côn Đảo bây giờ vẫn còn nhiều cựu tù Côn Đảo và cũng có cả gia đình của những người cai ngục xưa kia sinh sống. Những người cựu tù Côn Đảo họ trở về đây bởi họ có lẽ riêng của họ. Còn những gia đình cai ngục họ sống lại nơi này, tôi nghĩ là để sám hối.
Bà Tư Ni - một cựu tù Côn Đảo kiên trung đã từng bị kẻ thù nhiều lần tra tấn dã man, chúng đã gí điện vào người bà để cho “tiệt đường sinh con”. Bà Tư Ni được ra tù trước ngày giải phóng, sau Hiệp định Paris được ký kết. Sau này bà lấy chồng là ông Tư Hoàng cũng là một chiến sỹ Cách mạng. Hai ông bà không có con, về Côn Đảo sinh sống. Bà Tư Ni nói rằng bà về đây để được sống gần hơn với đồng đội của mình. Ngày rằm mồng một, bà vẫn tới nghĩa trang Hàng Dương, bà đọc tên từng đồng đội của mình, thắp hương và trò chuyện cùng các chị, bà mời các chị về nhà mình chơi. Bà Tư Ni cũng cho biết chính vì bà sống ở đây nên con trai một người đồng đội tìm được bà, anh ấy được sinh ra trong tù và người mẹ đã hy sinh khi đứa con mới được 3 ngày tuổi.
Hôm đi thăm khu chuồng cọp, tôi cũng đã gặp nhiều cựu tù Côn Đảo. Có những người khi tôi hỏi, họ chỉ khóc mà xúc động không nói được thành lời. Ông Phan Hoàng Oanh cũng là một cựu tù chính trị, sau này về sống ở huyện đảo và đã có 14 năm làm quản lý di tích nhà tù. Và trong những năm làm việc tại đây, ông đã được chứng kiến nhiều cuộc viếng thăm di tích. Một người cháu nội của tên cai ngục người Pháp đã đến gặp ông. Ông nói rằng những con người đó họ đến đây, họ đã được chứng kiến sự dã man của cha ông họ trước đây, cả sự nhân văn và rộng lượng của những con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam - biết tha thứ và yêu chuộng hòa bình.
Tác Giả: Đinh Hương Bình